Thép nằm trong định hướng tập trung xuất khẩu
Tin tức
Tin tức
Thép nằm trong định hướng tập trung xuất khẩu
Ngày đăng : 24/09/2018 - 10:17 PMNăm 2017, lần đầu tiên xuất khẩu Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước đạt hơn 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong đó, 29 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với năm 2016.
Theo ông Trần Thanh Hải- Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á- châu Phi cho biết thời gian tới, bên cạnh mặt hàng hoa quả, dệt may, da giầy và thủy sản, mặt hàng thép cũng sẽ nằm trong định hướng tập trung xuất khẩu.
Ông Hải cho biết giống như hoa quả, đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh thời gian gần đây. Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 3,15 tỷ USD, tăng 55,4% so với năm 2016. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thép thành phẩm, phôi thép, thép xây dựng và ống thép…Trong đó, thép thành phẩm, thép xây dựng và ống thép là những mặt hàng có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mạnh. Đặc biệt, sản phẩm tôn mạ và thép xây dựng xuất khẩu tăng mạnh lần lượt 26,6% và 62,4%.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo tăng trưởng ngành thép năm 2018 đạt 20-22%, trong đó, thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Giải thích cho triển vọng tươi sáng ngành thép năm 2018, ông Sưa cho biết Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%. Nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản sẽ được triển khai trong năm nay do vậy nhu cầu sắt thép tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, thép Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm thép từ một số quốc gia, đặt biệt là Trung Quốc. Sản lượng thép Trung Quốc tăng hơn 12 lần trong 25 năm đạt 803,83 triệu tấn nhưng nhu cầu nước này chỉ khoảng 672 triệu tấn. Do đó, với lượng thép dư thừa lớn, Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh lớn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
So với năm 2016, giá nguyên liệu thép nhập khẩu 2017 có xu hướng tăng nhanh và mạnh hơn, điều này ảnh hưởng chi phí sản xuất và năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Hiện tại nhiều nước trong đó có Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia áp thuế chống bán phá giá và các biện pháp trợ cấp, tự vệ. Đồng thời, nhiều nước nghi ngờ thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam để xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thép Việt Nam.
Mặc dù vậy, ông Hải cho hay trước đây, Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn cuối đối với nhiều sản phẩm như tôn mạ, tôn lạnh. Tuy nhiên, với sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, ngành thép đang hoàn thiện chuỗi sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa cao. Điều này giúp ngành thép dễ dàng chứng minh xuất xứ, các nước không còn lý do cáo buộc thép Trung Quốc đội lốt thép Việt Nam.
Theo Cục Xuất nhập khẩu- Bộ Công Thương, thị trường tiềm năng cần tăng cường xúc tiến thương mại là Đức, Mỹ và Campuchia. Đây là các thị trường có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt, nhu cầu thị trường cao. Riêng thị trường Đức, đây là cửa ngõ để mở rộng xuất khẩu các nước EU.
Năm 2017, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành thép Việt Nam do nhu cầu cao và các yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe như EU hay Mỹ. Năm 2017, tổng lượng thép xuất khẩu sang thị trường này đạt 2,8 triệu tấn, tăng 54,4% so với năm 2016, chiếm 59% tỷ trọng xuất khẩu thép của cả nước.
Mỹ đứng thứ hai với lượng xuất khẩu đạt 523.500 tấn, trị giá 425,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 11,1%. EU đứng thứ 3 với tỷ trọng đạt 8,9%.